Sáng kiến kinh nghiệm: HĐ khám phá 4-5 tuổi


PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẬN HÀ ĐÔNG
MÃ SKKN














SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM

Tên đề tài:
          SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM VỀ VIỆC LỰA CHỌN VÀ
TỔ CHỨC THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG KHÁM PHÁ CHO
TRẺ 4 -5 TUỔI TRONG TRƯỜNG MẦM NON




Lĩnh vực/ Môn  : Giáo dục Mẫu giáo
Cấp học             : Mầm non
Tên tác giả        : Nguyễn Thị Hạnh
Đơn vị công tác : Trường mầm non Sen Hồng
Chức vụ             : Giáo viên






NĂM HỌC 2019-2020
MỤC LỤC

 
STT Nội dung Trang
I ĐẶT VẤN ĐỀ 1
II GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ 2
1 Cơ sở lý luận 2
2 Cơ sở thực tiễn 3
3 Thực trạng của đề tài 3
4 Các biện pháp thực hiện 4
4.1  Biện pháp 1:Xây dựng kế hoạch hoạt động khám phá theo các dự án nhỏ 4
4.2 Biện pháp 2:Ứng dụng phương pháp steam vào hoạt động khám phá của trẻ 6
4.3

Biện pháp 3: Sử dụng phương tiện trực quan trong hoạt động khám phá

8
4.4 Biện pháp 4: Ứng dụng công nghệ thông tin 11
5 Kết quả 12
III KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 13
1 Kết luận 13
2 Bài học kinh nghiệm 13
3 Kiến nghị, đề xuất 13
IV TÀI LIỆU THAM KHẢO 14


 
 
 
I.ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Lí do chọn đề tài
Ngày nay, xu thế lợi nhuận hóa trong giáo dục vô cùng quan trọng, nó đòi hỏi trẻ phải đáp ứng được đầy đủ về đức, trí, thể, mỹ, kỹ năng tự vệ, tự phục vụ cho bản thân… Giáo dục Việt Nam cũng đang trăn trở để tìm đường đi cho riêng mình.
Trong những năm gần đây, giáo dục luôn không ngừng đổi mới về hình thức, nội dung và phương pháp tổ chức dạy học cho trẻ. Ở độ tuổi này trẻ đã có những bước phát triển mạnh về nhận thức, tư duy, ngôn ngữ, tình cảm… Nhưng thế giới xung quanh thật bao la, rộng lớn, có biết bao điều mới lạ, hấp dẫn và có nhiều điều lạ lẫm, khó hiểu, trẻ tò mò muốn biết,  muốn được khám phá, cho nên giáo dục mầm non đã góp phần không nhỏ vào việc giáo dục trẻ.
Ở trường mầm non, khám phá là một trong những hoạt động tạo ra nhiều cơ hội để trẻ rèn luyện và hình thành kĩ năng nhận thức. Trẻ mẫu giáo “chơi mà học, học mà chơi”. Thông qua các bài học đơn giản, giáo viên không những cung cấp cho trẻ một vốn tri thức nào đó mà còn giúp chúng hình thành  những năng lực tư duy, khả năng phán đoán và giải quyết vấn đề, nuôi dưỡng lòng say mê, khám phá những tiền đề cần thiết cho trẻ trong suốt cuộc đời.
Thực tế với xã hội hiện nay có rất nhiều người, nhiều bậc phụ huynh chưa
thực sự hiểu được tầm quan trọng của giáo dục trẻ ở độ tuổi mầm non. Có đôi khi cha mẹ vì quá bận rộn mà cảm thấy phiền phức trước những câu hỏi của con hoặc trả lời qua quít, quát mắng để trẻ không hỏi nữa. Như vậy rất không nên. Tri thức ban đầu luôn để lại dấu ấn nhất định trong tâm trí con trẻ, đừng nên coi thường vấn đề này, sẽ rất dễ dẫn đến trẻ nhận thức sai lầm hoặc vì bị la mắng nên sợ không hỏi nữa. Từ đó, có thể sẽ khiến trẻ trở nên rụt rè mỗi khi muốn đưa ra ý kiến sau này của mình. Do đó, cha mẹ hãy cố gắng giải đáp theo những cách đơn giản nhất vấn đề mà trẻ thắc mắc. Thực tế trẻ không thể hiểu những cách nói phức tạp của người lớn, chỉ vài câu khái quát đơn giản là đủ làm trẻ gật gù và chuyển hướng sang những vấn đề khác. Nếu không có thời gian, hãy đơn giản là “ghi nợ” tới khi rảnh có thể trả lời được với trẻ.
Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động khám phá ở trường mầm non, tôi quyết định nghiên cứu đề tài:Sáng kiến kinh nghiệm về việc lựa chọn và tổ chức thực hiện hoạt động khám phá cho trẻ 4 – 5 tuổi trong trường mầm non”
2. Mục đích của đề tài:
-Tìm hiểu thực trạng hoạt động khám phá của trẻ trong trường mầm non.
- Đề xuất một số biện pháp để thực hiện hoạt động khám phá đạt hiệu quả cao.
3. Đối tượng nghiên cứu: Trẻ 4-5 tuổi (Mẫu giáo nhỡ)
4. Phạm vi của đề tài: Đề tài được thực hiện từ tháng 9 năm 2019 đến tháng 2 năm 2020.
II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1. Cơ sở lí luận
Cho trẻ mẫu giáo khám phá khoa học có một vị trí đặc biệt trong giáo dục trí tuệ cho trẻ, đặt nền móng cho sự phát triển tư duy, năng lực nhận biết của trẻ, góp phần vào sự phát triển toàn diện nhân cách và chuẩn bị cho trẻ bước vào trường phổ thông với những biểu tượng về các sự vật, hiện tương xung quanh, những kĩ năng như phân tích, so sánh, phân loại, tổng hợp, khái quát hóa, trừu tượng hóa,…
Mặt khác,khi kết hợp cho trẻ khám phá qua phương pháp trải trải nghiệm, trẻ được tham gia tích cực vào hoạt động khám phá: đặt câu hỏi, tìm tòi, trải nghiệm, giải quyết vấn đề, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của trẻ.  Kết quả trải nghiệm của trẻ không quan trọng bằng quá trình đứa trẻ thực hiện và những điều trẻ học được từ trải nghiệm giờ hoạt động đó. Kết quả đạt được là của cá nhân trẻ, tạo cơ sở nền tảng cho việc học và trải nghiệm.
Tâm lí học và giáo dục học đã chứng minh rằng quá trình nhận thực của trẻ là hình ảnh “thu nhỏ” của quá trình nhận thức của loài người. Khám phá nhằm củng cố kiến thức, góp phần hình thành biểu tượng đúng đắn về các sự vật, hiện tượng xung quanh, cung cấp cho trẻ những tri thức đơn giản có hệ thống về thế giới xung quanh. Mở rộng vốn hiểu biết về thế giới xung quanh và qua đó làm giàu vốn từ cho trẻ. Trẻ nhận biết, phân biệt, phát âm chuẩn, đồng thời phát triển ngôn ngữ, diễn đạt rõ ràng, mạch lạc.
Bên cạnh đó, việc cho trẻ khám phá góp phần giúp trẻ phát triển và hoàn thiện các quá trình tâm lí, nhận thức đặc biệt là cảm giác, tri giác, tư duy, ngôn ngữ và chủ ý. Đồng thời góp phần quan trọng trong việc giáo dục tình cảm, thẩm mỹ, đạo đức cho trẻ, hình thành ở trẻ những cảm xúc tích cực và tích lũy những tri thức, những kiến thức của cuộc sống, làm cơ sở để trẻ dễ dàng lĩnh hội nội dung giáo dục của các hoạt động vui chơi, học tập, lao động… làm tiền đề giúp trẻ học tốt các môn học khác trong trường.
2. Cơ sở thực tiễn
Thực hiện sự chỉ đạo của Sở giáo dục - đào tạo Hà Nội, Phòng giáo dục quận Hà Đông, nhà trường tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới cho trẻ. Thực tiễn đổi mới giáo dục mầm non hiện nay cũng cho thấy việc tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm các hoạt động khám phá một cách thiết thực nhất. Nhưng trong thực tế vẫn còn tồn tại một vấn đề đó là giáo viên ngại việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thí nghiệm cho trẻ hoặc chỉ cho trẻ trải nghiệm, thí nghiệm trong một số giờ học nhất định. Giáo viên còn lúng túng trong thiết kế cho trẻ trong trải nghiệm. Chưa có định hướng đúng đắn để trẻ trải nghiệm phù hợp. Trẻ ít được trải nghiệm từ đó dẫn đến kiến thức, kỹ năng trẻ nắm bắt được chưa sâu. Sự phối hợp của phụ huynh với nhà trường chưa thực sự gắn kết, đứa trẻ chưa thể thực hiện 24/24 ở nhà trường và trong gia đình.
Đầu năm học 2019 - 2020 tôi đã được ban giám hiệu nhà trường phân công phụ trách lớp mẫu giáo 4 - 5 tuổi. Dựa vào tình hình thực tế của lớp, tôi thấy trẻ ở lớp do tôi phụ trách chưa thực sự hứng thú tham gia vào các hoạt động trải nghiệm, kỹ năng đàm thoại, quan sát, so sánh, khả năng giải quyết các vấn đề, nêu ý kiến của trẻ còn hạn chế. Chính vì vậy mà tôi thấy mình phải tích cực học hỏi, tìm tòi để đưa ra các hoạt động trải nghiệm thiết thực nhằm thu hút sự quan tâm chú ý của trẻ.
Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động khám phá ở trường mầm non, tôi quyết định nghiên cứu đề tài: “Sáng kiến kinh nghiệm về việc lựa chọn và tổ chức thực hiện hoạt động khám phá cho trẻ 4-5 tuổi trong trường mầm non
3. Thực trạng của đề tài
Trường có khung cảnh sư phạm đẹp, sân chơi rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát. Trường được đầu tư nhiều đồ dùng, đồ chơi, cây xanh, các trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, được đầu tư tương đối đầy đủ.
Với tình hình thực trạng như trên trong quá trình thực hiện đề tài, tôi đã gặp một số thuận lợi và khó khăn như sau:
3.1. Thuận lợi :
- 100% trẻ đã học qua lớp nhà trẻ, mẫu giáo bé nên rất có ý thức và nề nếp học tập, vui chơi, vệ sinh.
- Lớp học rộng rãi, thoáng mát, đầy đủ cơ sở vật chất. Nhà trường đầu  tư  đồ dùng, đồ chơi, các trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ chăm sóc giáo dục trẻ tương đối đầy đủ.
- Nhiều phụ huynh trẻ rất nhiệt tình quan tâm tới việc học tập của các con. Quan tâm ủng hộ và kết hợp chặt chẽ với giáo viên trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ.
- Giáo viên nắm vững phương pháp, có trình độ chuẩn, được tiếp cận với các hoạt động giáo dục mầm non mới, được tham gia vào các lớp bồi dưỡng chuyên môn của trường.
- Bản thân tôi luôn ham học hỏi để nâng cao chuyên môn.
- Đội ngũ giáo viên luôn đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau nên cũng có nhiều thuận lợi.
- Trẻ lớp tôi ham học hỏi, trẻ rất thông mình nhanh nhẹn, thích khám phá những điều mới lạ.
3.2. Khó khăn:
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy, chăm sóc giáo dục trẻ được đầu tư tương đối đầy đủ nhưng mẫu mã chưa phong phú, đa dạng nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động giáo dục của trẻ.
- Nhận thức của trẻ không đồng đều, có trẻ mạnh dạn, có trẻ quá nhút nhát khi khám phá, khi làm thí nghiệm, chậm tiếp thu, chưa nêu được ý kiến của mình khi tham gia hoạt động.
- Một số phụ huynh còn chưa thực sự quan tâm đến việc chăm sóc giáo dục trẻ.
4. Các biện pháp thực hiện
4.1. Biện pháp 1: Xây dựng kế hoạch hoạt động khám phá theo các dự án nhỏ
            Với mong muốn trẻ sẽ được mở rộng, trau dồi các kĩ năng và được nâng cao hiểu biết của mình. Do đó, trong năm học này các con sẽ được học với các dự án. Phương pháp học này sẽ giúp cho trẻ nghiên cứu sâu về một đề tài cụ thể; dưới sự giúp đỡ của cô giáo, trẻ tự giải quyết một nhiệm vụ học tập mang tính phức hợp nào đó cả về lí thuyết lẫn thực hành.
            Trong năm học này, tôi đã lựa chọn các dự án mới, lạ hấp dẫn đối với trẻ như: Dự án về con ốc, dự án đồ tái chế, dự án về âm nhạc, dự án về hạnh phúc…tất cả các dự án đấy tôi đều đưa vào để dạy trẻ. Những dự án đó đều kích thích sự tò mò và mong muốn tìm hiểu, khám phá của trẻ.
            Ví dụ: Với dự án “Hạnh phúc” Khi khám phá về hạnh phúc tôi đã kể cho trẻ nghe “Câu chuyện về hạnh phúc”. Khi nghe xong câu chuyện trẻ phải tự nhận ra hạnh phúc là gì? Mình cảm thấy hạnh phúc khi nào? Muốn hạnh phúc thì phải như thế nào? Mình thể hiện hạnh phúc ra sao? Thế nào là một gia đình hạnh phúc?Bố mẹ phải như thế nào để thể hiện đó là một gia đình hạnh phúc? Trẻ cần làm gì để mọi người xung quanh cảm thấy hạnh phúc?
            Ví dụ: Với dự án”Con chuột”. Khi đến với chủ đề này tôi đã chuẩn bị một chiếc lồng chuột trong đó có chứa chuột và đặt tại trước cửa lớp học của ngày hôm đó. Khi đến lớp và thấy con chuột trẻ sẽ tò mò và đặt ra câu hỏi: Sao hôm nay ở lớp mình lại có con chuột? Từ đó, cô sẽ dẫn trẻ vào bài học hôm đấy là khám phá con chuột. Trẻ sẽ quan sát đặc điểm của con chuột (Mắt, mũi, đuôi, màu sắc, tiếng kêu…), chuột ăn những loại thức ăn nào? Chuột thường sống ở đâu?Sau đó cho trẻ xem video về tác dụng và tác hại của chuột.
            Lượng rác thải nhựa khổng lồ thải ra môi môi trường thực sự là mối đe dọa tới môi trường cũng như sức khỏe của mọi người. Để chung tay bảo vệ môi trường lớp tôi đã có dự án về đồ tái chế, dự án được đông đảo phụ huynh và các con ủng hộ. Trước khi đến với dự án, các bố mẹ đã cho các con mang các đồ có thể tái chế ở trong gia đình đến lớp để chuẩn bị cho tiết học khám phá của các con. Sau giờ học, trẻ biết đồ tái chế là gì? Những đồ nào có thể tái chế, sử dụng lại được? Đồ dùng nào không thể tái chế lại, hạn chế sử dụng những đồ nào để bảo vệ môi trường. Ngoài ra, từ những đồ tái chế trẻ lớp tôi đã tạo ra rất nhiều sản phẩm ngộ nghĩnh, đáng yêu.
https://f8.photo.talk.zdn.vn/6926795395690047380/03714d020fb5f7ebaea4.jpg https://f6.photo.talk.zdn.vn/8754757062650154095/060305095fbba7e5feaa.jpg

    Trẻ làm đồ dùng từ đồ tái chế           Trẻ hạnh phúc với giờ học trên lớp

Các dự án đã thu hút được sự chú ý của trẻ, khơi dậy tính ham học hỏi, khám phá ở trẻ. Trẻ không chỉ đứng ngoài “quan sát và lắng nghe” mà trẻ đã tự chủ động suy nghĩ và đặt câu hỏi vì sao? Như thế nào? Và đi tìm hiểu câu trả lời cho câu hỏi đó. Việc đặt câu hỏi về những điều chưa biết sẽ giúp trẻ phát triển kĩ năng giao tiếp, trao đổi với mọi người và giúp trẻ hiểu rõ hơn về bản thân cũng như thế giới xung quanh.

4.2. Biện pháp 2 : Ứng dụng phương pháp steam vào hoạt động khám phá của trẻ
STEAM  là phương pháp học được áp dụng đầu tiên ở Mĩ, chủ yếu dựa trên thực hành và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo.STEAM dựa trên lý thuyết giáo dục hiện đại, xem giáo viên là người hỗ trợ về học tập, không chỉ là người cung cấp kiến thức. Phương pháp này mang lại sự hứng khởi trong học tập nhưng vẫn đảm bảo việc nắm bắt kiến thức, giúp trẻ thật sự tương tác với môn học và học vì yêu thích, đồng thời kích thích sự tìm tòi khám phá. Mặt khác, việc đặt trẻ làm trung tâm sẽ giúp các em trở thành những nhà lãnh đạo mạnh mẽ, những nhà cải tiến đầy sáng tạo. Mô hình STEAM còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng đã là “kim chỉ nam” rất thịnh hành trong lĩnh vực giáo dục ở các quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản
 Hoạt động giáo dục ở mẫu giáo là một quá trình giáo dục có mục đích, có kế hoạch với nhiều hình thức, phương pháp khác nhau. Mỗi hoạt động đều nhằm đạt được một mục đích nhất định. Vì thế hoạt động nào cũng có tính chất riêng của nó. Tôi đã lựa chọn nội dung tích hợp hoạt động STEAM phù hợp cho từng hoạt động như sau.
Ví dụ: Với chủ đề “Màu xanh lá cây” tôi đã chọn cho trẻ lớp mình trò chơi thực nghiệm với cây và hạt. Trước tiên, trẻ phải biết cây xanh có những bộ phận nào? Để làm được điều này tôi đã chuẩn bị cho trẻ 1 củ hành tây, 1 lọ thủy tinh trong và cho trẻ đổ đầy nước vào lọ, đặt củ hành tây ở miệng lọ sao cho nửa củ hành tây ngập trong nước. Cô cho trẻ xem điều gì sẽ xảy ra. Hàng ngày cô cho trẻ quan sát và ghi nhật kí bằng hình ảnh. Sau vài ngày lá cây và rễ mọc ra cô cho trẻ quan sát và tự nhận xét, giải thích xem vì sao lại như vậy.
Sự phát triển của cây từ hạt? Tôi đã chuẩn bị cho trẻ hạt đậu tương, khay và bông thấm nước, một chậu cát nhỏ và dụng cụ làm đất. Tôi và trẻ đã cùng nhau làm đất cho vào chậu cây, gieo hạt đã nảy mầm vào chậu cây, đặt chậu nơi có ánh sáng. Hàng ngày cô dẫn trẻ theo dõi và tưới nước cho chậu cây. Cô hướng dẫn trẻ cách ghi nhật kí quá trình phát triển của cây từng ngày. Sau đó, cô cho trẻ tự khái quát lại vì sao cây lại lớn lên được từ hạt.
Ví dụ: Các trò chơi với nước, không khí và ánh sáng
Tôi đã cho trẻ trải nghiệm “Bóng cây thay đổi”, để làm được tôi đã chuẩn bị: Phấn để đánh dấu và thước đo. Đố trẻ biết bóng người hoặc bóng cây dưới ánh sáng mặt trời trong ngày có thay đổi không? Sau đó cùng trẻ đo bóng của một người hoặc của một cây dưới ánh sáng mặt trời ở 3 thời điểm trong ngày và cho trẻ nhận xét và so sánh khi nào bóng ngắn nhất, khi nào bóng dài nhất? Cho trẻ kết luận và giải thích sau đó cô khái quát lại: Ánh sáng mặt trời chiếu vào phần tán cây xanh nên không đi qua được nên tạo ra bóng trên mặt đất. Bóng thay đổi vào các thời điểm khác nhau trong ngày do mặt trời di chuyển. Qua đó, trẻ biết rằng ánh sáng mặt trời chiếu vào các vật tạo ra bóng trên mặt đất. Bóng có thể thay đổi theo những thời điểm khác nhau trong ngày khi mặt trời ở các vị trí khác nhau.
Khi dạy trẻ về “Giấy đổi màu”tôi đã chuẩn bị cho trẻ màu thực phẩm, nước, cốc, giấy ăn… để trẻ tự tay làm thí nghiệm. Qua đó, trẻ biết cách pha màu, biết được sự biến đổi của màu sắc khi màu này kết hợp màu kia để ra một màu khác. Từ đó, trẻ biết được sự biến đổi nhiều màu này được ứng dụng vào cuộc sống như pha màu để vẽ tranh, trang trí nhà cửa, nhuộm vải. Qua đó, tôi thấy trẻ rất thích thú khi chính mình làm và tự phát hiện ra sự thay đổi của màu sắc trên giấy ăn.
Khi dạy trẻ về “Sự biến đổi của nước” Tôi đã chuẩn bị 4 cốc thủy tinh và 3 chiếc thìa, đường, muối, một quả cam. Tôi cho trẻ rót nước vào cốc có đánh số từ 1 đến 4. Sau đó cho trẻ quan sát,nếm,ngửi mùi và nhận xét xem nước có màu, mùi vị như thế nào và cho trẻ dự đoán xem nước thay đổi như thế nào khi pha thêm đường, muối, nước cam vào cốc và cho trẻ giải thích. Qua đó, trẻ biết được nước trong suốt không có màu, không mùi, không vị. Đường có vị ngọt, khi hòa tan vào nước làm nước có vị ngọt. Muối có vị mặn nên khi hòa tan vào nước làm cho nước có vị mặn. Khi pha nước cam vào sẽ tạo cho nước có mùi thơm, màu hơi chuyển sang vàng.

Khi dạy trẻ về “ Không khí”. Tôi cho trẻ làm thí nghiệm: Vì sao ngọn nến tắt. Để thực hiện được tôi đã chuẩn bị 2 cái cốc, 2 cây nến, 1 tờ giấy bạc đục lỗ và 1 tờ giấy bạc còn nguyên.  Sau đó đặt 2 cây nến vào trong, đốt cho 2 cây nến cùng cháy. Cho trẻ quan sát 2 tờ giấy bạc đã chuẩn bị và cho trẻ đoán xem điều gì sẽ xảy ra khi dùng 2 tờ giấy bạc đó bịt lên 2 cây nến đang cháy. Cô dùng 2 tờ giấy bạc bịt miệng 2 cốc nến. Điều gì xảy ra với 2 ngọn nến? (một ngọn nến tắt, một ngọn nến vẫn tiếp tục cháy. Trẻ đặt câu hỏi: Vì sao ngọn nến tắt? Cho trẻ tự đưa ra câu trả lời và cô giải thích lại cho trẻ hiểu. Cốc có nến đang cháy là cốc có tờ giấy bạc đục lỗ, không khí vẫn lọt vào bên trong cốc nên cây nến vẫn cháy. Cốc có ngọn nến tắt là cốc có tờ giấy bạc bịt kín, không khí không lọt vào được bên trong nên cây nến bị tắt. Qua thí nghiệm, trẻ biết và nói được lợi ích của không khí đối với đời sống xung quanh.

Trẻ làm thí nghiệm về màu sắc và không khí

Ví dụ: Ngày tết trung thu tôi đã chuẩn bị bột, khuôn bánh, nhân bánh cho trẻ được trải nghiệm cách làm bánh. Trẻ được tự tay nhào, nặn bột, vê nhân và chọn khuôn cho riêng mình khiến các con rất hào hứng và thích thú. Qua đó, trẻ đã biết nguyên liệu, các bước để tạo ra bánh.

Ví dụ: Để trẻ biết được nam châm có thể hút vật nào và không hút vật nào tôi đã chuẩn bị cho trẻ những thỏi nam châm nhỏ và một số đồ dùng bị nam châm hút và không bị nam châm hút. Cho trẻ quan sát những vật được chuẩn bị và gọi tên chúng. Cô đưa ra từng vật và cho trẻ nói tên vật đó được làm bằng gì? Và đoán xem vật đó có bị nam châm hút không? Cho tre để riêng những vật bị nam châm hút và không bị nam châm hút và nhận xét những vật bị nam châm hút được làm bằng gì? Qua đó, trẻ biết được những vật làm bằng sắt thì bị nam châm hút, còn những vật làm bằng chất liệu khác thì không bị nam châm hút.


Thí nghiệm nam châm hút                     Trẻ trải nghiệm làm bánh

Qua đó, tôi thấy trẻ trẻ hứng thú, tích cực với hoạt động khám phá hơn, có kĩ năng làm một số thí nghiệm đơn giản, biết làm việc theo nhóm và cá nhân.Nhận thức của trẻ được mở rộng, trẻ tích cực, chủ động trong quá trình học, phát triển nhiều vốn kinh nghiệm, vốn từ của trẻ trở nên phong phú hơn, khả năng diễn đạt tốt hơn.

4.3. Biện pháp 3: Sử dụng phương tiện trực quan trong hoạt động khám phá

 Sử dụng phương tiện trực quan trong dạy học là một phương pháp rất phổ biến, nó chiếm một vị trí rất quan trọng trong việc giúp trẻ tiếp thu những kiến thức. Bởi lẽ trực quan trong dạy học huy động được tất cả các giác quan tham gia vào quá trình nhận thức của trẻ.
Những giờ học trước đây, khi cung cấp kiến thức cho trẻ đơn thuần cô chỉ dùng tranh, ảnh, mô hình. Giờ tôi sử dụng đồ dùng là vật thật có sẵn đã chuẩn bị từ trước để cung cấp kiến thức cho trẻ, trẻ khám phá nhanh hơn, hứng thú hơn.
Ví dụ: Với dự án “Muôn hoa khoe sắc” thay vì học bằng tranh ảnh, qua máy tính, trước khi đến giờ học tôi đã cùng trẻ chuẩn bị một số loại hoa thật để phục vụ cho giờ khám phá. Với những bông hoa đó trẻ sẽ tự chọn một loại hoa và thỏa thuận về nhóm để cùng nhau quan sát, thảo luận về đặc điểm ( cánh hoa, nụ, màu sắc, mùi hương…)của hoa nhóm mình. Sau đó, đại diện nhóm sẽ lên nói về kết quả thảo luận của nhóm và cô khái quát lại đặc điểm của loại hoa đó. Qua đó, trẻ đã nắm được kiến thức mà tôi muốn truyền đạt một cách có hiệu quả, dễ dàng qua việc trẻ được ngắm, sờ, ngửi mùi hương của hoa.
Ví dụ: Với chủ đề “Trái cây và rau củ” trước khi đến giờ khám phá, tôi và trẻ cũng đã chuẩn bị một số loại hoa quả, rau củ để cùng nhau khám phá. Khi sử dụng vật thật, trẻ được tự tay sờ, ngửi, nếm vị của hoa quả, trái cây mà khi sử dụng tranh ảnh ta không thể nào có được những trải nghiệm đó. Chẳng hạn, khi dùng tranh  cô đặt câu hỏi: Trẻ hãy nêu đặc điểm của quả cam, nếu biết cam trẻ sẽ rất mạnh dạn, tự tin để trả lời nhưng nếu chưa biết khi nhìn vào tranh trẻ có lẽ chỉ trả lời được đến đặc điểm bên ngoài củaquả cam. Ngược lại, khi dùng vật thật cô nói đến quả nào nếu chưa biết trẻ có thể trực tiếp lấy quả đấy về để quan sát đặc điểm bên ngoài và bổ ra để nếm vị bên trong của quả. Khi được trải nghiệm thực tế thì trẻ đã nắm vững được những kiến thức tôi muốn truyền đạt. Qua đó, tôi không những đã cho trẻ tìm hiểu một cách tổng quát về quả cam mà còn dạy trẻ kĩ năng bổ cam và vứt rác đúng nơi quy định.
Nhận thức được tầm quan trọng của đồ dùng trực quan đối với giờ học khám phá nên khi lập kế hoạch cho mỗi tiết học tôi đã rất chú ý tới cách thức truyền tải kiến thức với trẻ. Đặc biệt đồ dùng trực quan vừa phải mang tính thẩm mỹ, tính chính xác và sự sáng tạo. Từ đó, kích thích được sự hứng thú, ham hiểu biết ở trẻ.
Phương tiện trực quan trong các hoạt động dạy và học rất đa dạng: Ngoài vật thật ra ta còn sử dụng tranh ảnh, mô hình, lô tô…Không phải bài khám phá nào ta cũng dùng được vật thật, tùy vào bài dạy mà tôi chọn một phương tiện dạy học khác nhau. Đối với những đồ dùng trực quan là đồ chơi tôi đưa vào trong các tiết dạy như: Đồ chơi của bé, phương tiện giao thông…. Qua những đồ chơi được làm khéo léo giống với thực tế sẽ giúp trẻ chú ý quan sát đồ chơi, chơi với đồ chơi để khám phá những kiến thức về đối tượng.
https://f16.photo.talk.zdn.vn/7292772271797225171/20cae58f21c8da9683d9.jpg

Trẻ học với phương tiện trực quan
Trẻ mẫu giáo có sự tưởng tượng chưa phong phú, kinh nghiệm sống của trẻ còn ít nên tôi thường xuyên tận dụng các vật thật để dạy trẻ. Khi cho trẻ được tiếp xúc với vật thật thì tôi nhận thấy trẻ hứng thú và nắm bắt kiến thức một cách rõ ràng nhất.
 Việc sử dụng màn hình cũng là một hình thức sử dụng trực quan vì vậy tôi thường xuyên sử dụng tạo điều kiện để cho trẻ nắm kiến thức.Thông qua những cảnh quay, đoạn băng được đưa lên màn hình sẽ tạo ra sự thay đổi, sự mới lạ cho trẻ vì tất cả những sự vật hiện tượng đều có thể chụp lại, quay lại để đưa lên màn hình cơ hội để trẻ khám phá những sự vật- hiện tượng, con vật mà trẻ khó có cơ hội tiếp xúc như: tìm hiểu động vật sống trong rừng, động vật sống dưới biển, phương tiện giao thông hàng không, núi lửa, khủng long…
Việc sử dụng đồ dùng trực quan phải được sử dụng một cách linh hoạt và sáng tạo. Trong tiết dạy tôi không sử dụng một loại đồ dùng từ đầu đến cuối cũng không sử dụng quá nhiều loại để trẻ khó hiều mà tôi phối hợp các loại đồ dùng trực quan sao cho phù hợp, linh hoạt từng phần sao cho trẻ không nhàm chán.
Ví dụ: Trong tiết dạy “Những món ăn bé thích” tôi có thể sử dụng một số loại đồ dùng như: Tranh lô tô, vật thật, đồ chơi, màn hình, mô hình kết hợp với nhau sao cho linh hoạt và phù hợp như: Phần đầu giới thiệu bài cho trẻ đi thăm siêu thị của lớp với nhiều loại đồ ăn, phần cung cấp kiến thức cho trẻ quan sát một số món ăn thật, phần mở rộng cho trẻ xem trên màn hình một số món ăn khác làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau, phần luyện tập cho trẻ đi chơi trò chơi qua những đồ thức ăn nhựa, tranh lô tô.
Việc kết hợp sử dụng linh hoạt các loại đồ dùng trực quan trong tiết học tôi thấy trẻ hứng thú hơn mỗi khi học khám phá , kiến thức tôi truyền đạt vì thế mà dễ dàng và trẻ ghi nhớ hơn.
4.4. Biện pháp 4: Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động khám phá.
Như chúng ta đã biết việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động học đang được sử dụng rất rộng.
Khám phá là một môn học rất khó đối với trẻ. Nó vô cùng rộng lớn và khó hiểu, trẻ lại rất tò mò, hiếu động, trẻ luôn đặt ra vô vàn câu hỏi: Đây là cái gì? Nó như thế nào? Vì sao lại như vậy?.... Vì vậy việc tổ chức cho trẻ khám phá cần phải linh hoạt, có hệ thống để trẻ lĩnh hội được những kiến thức một cách nhẹ nhàng, trẻ thỏa mãn được những thắc mắc của mình.
Trước đây, giáo viên phải chuẩn bị vẽ rất nhiều tranh, ảnh để minh họa cho đề tài trong tiết dạy của mình. Những hình ảnh vẽ không sát thực, không sinh động, hấp dẫn, tạo cho trẻ có cảm giác nhàm chán, không hứng thú tham gia đàm thoại với cô. Hiệu quả của giờ học có phần hạn chế.
Bây giờ với ứng dụng của công nghệ thông tin vào hoạt động khám phá đã cho ta những hình ảnh thật, âm thanh rõ nét gây hứng thú cho trẻ, giúp trẻ dễ nhớ, lâu quên ...Giờ học đạt hiệu quả cao hơn.
Ví dụ: Cho trẻ quan sát một số động vật sống trong rừng ( con voi, con gấu, con khỉ)  với những con vật này ta có thể dùng vật thật được nhưng rất khó khăn mà các con vật này chỉ có ở vườn bách thú nên ta không thể mang đến lớp cho trẻ học được, mà thay vào đó ta sẽ dùng tranh ảnh, hình ảnh trên màn chiếu và qua khả năng ghi nhớ của trẻ khi đi vườn bách thú và hỏi trẻ tên gọi, đặc điểm, môi trường sống, thức ăn của các con vật trong rừng. Với ứng dụng của công nghệ thông tin trẻ có thể nhìn thấy những con vật rất sinh động với dáng đi, nơi ở, thức ăn, tiếng kêu… tất cả đều hiện ra trước mắt trẻ. Với những hình ảnh động cô có thể đưa ra rất nhiều câu hỏi mà trẻ quan sát được như: Con voi đang làm gì? Con khỉ đang ăn gì kia?...
Ví dụ: Với chủ đề “ Khủng long” đây là một loài động vật đã bị tuyệt chủng và không còn trên trái đất nữa, chỉ còn lại những bộ hóa thạch của chúng để lại mà ta được quan sát trên tranh, màn hình. Sau khi quan sát, cho trẻ nêu đặc điểm, tập tính của loài khủng long. Qua tranh ảnh, trẻ biết hình dáng, thức ăn, nơi sống. Nhưng khi ứng dụng công nghệ thông tin vào bài này ta sẽ làm thành các side kèm theo các hiệu ứng, bài dạy sẽ sinh động, hấp dẫn hơn... Trẻ nhìn thấy được dáng đi, tập tính, quá trình tiến hóa… Tôi đã lên mạng tìm và coppy lại những đoạn video của một số loài khủng long về hoạt động, quá trình sinh sản, quá trình khủng long nằm trong đá… chiếu trên màn hình, tất cả đều như tái hiện thực trước mắt trẻ. Từ đó, giúp trẻ hiểu hơn về khủng long, biết được nguyên nhân vì sao loài động vật này đã bị tuyệt chủng trên trái đất.
Ngoài ra tôi còn sử dụng công nghệ thông tin vào việc sáng tạo ra các trò chơi ôn luyện, các trò chơi củng cố cho hoạt động khám phá của trẻ như: Ô cửa bí mật, ai nhanh nhất, rung chuông vàng, những mảnh ghép bí ẩn
Việc trẻ được quan sát những hình ảnh thật, sinh động giúp trẻ ghi nhớ được rõ ràng hơn và trẻ hứng thú tham gia trả lời câu hỏi của cô, giúp trẻ có thêm kỹ năng đàm thoại, kỹ năng quan sát, so sánh...
5. Kết quả
Từ những cố gắng của bản thân, sự đồng thuận hợp tác của tập thể sư phạm, sự ủng hộ tích cực của các bậc cha mẹ đã giúp tôi đạt được một số kết quả như sau :
5.1. Kết quả trên trẻ:
- Qua những hình thức hoạt động như thực hành, thí nghiệm, trò chơi, hoạt động ngoài trời… trẻ tiếp thu kiến thức một cách đồng bộ, đầy đủ, sâu sắc, đạt kết quả cao.
- Phát triển ở trẻ óc quan sát, khả năng phán đoán, phân tích tổng hợp. Cụ thể là so sánh các đối tượng, trẻ thường phát hiện rất nhanh những đặc điểm giống và khác nhau của các đồ vật, con vật, các hiện tượng xung quanh trẻ. Nắm được mối quan hệ và cách ứng xử phù hợp với môi trường xung quanh.
- Ngôn ngữ mạch lạc ở trẻ phát triển tốt. Đa số trẻ nói được trọn câu, đủ ý, diễn đạt mạch lạc, vốn từ phong phú.
- Trẻ hứng thú tham gia vào các hoạt động say mê, tích cực, ghi nhớ nhanh và sâu hơn. Khả năng tư duy cao hơn, trẻ chủ động và tích cực sáng tạo hơn.
- Đa số trẻ nắm được kiến thức và thực hiện được các yêu cầu trong các hoạt động khi cô tổ chức cho trẻ khám phá môi trường xung quanh.
5.2. Kết quả từ phía các bậc cha mẹ:
- Cha mẹ luôn coi trọng trẻ và tích cực tham gia vào các hoạt động giáo dục trẻ ở nhà trường.
- Các bậc cha mẹ đã có thói quen liên kết phối hợp chặt chẽ với cô giáo trong việc học của trẻ, trao đổi với giáo viên bằng nhiều hình thức thông qua bảng thông tin cha mẹ cần biết. Số lượng phụ huynh tham gia phối hợp với giáo viên đạt 90%.
- Cha mẹ cảm thấy mãn nguyện với thành công của trẻ, tin tưởng vào kết quả giáo dục của nhà trường, không chê bai chỉ trích cô giáo ngược lại cha mẹ thông cảm, chia sẻ những khó khăn của cô giáo, cung cấp vật liệu, phụ giúp giáo viên trang trí lớp, làm đồ chơi.
III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
  1. Kết luận
Qua việc nghiên cứu và áp dụng đề tài: Sáng kiến kinh nghiệm về việc lựa chọn và tổ chức thực hiện hoạt động khám phá cho trẻ 4-5 tuổi trong trường mầm non”. Tôi thấy trẻ lớp tôi rất hứng thú trải nghiệm, phát triển khả năng sáng tạo, tư duy của trẻ. Trẻ biết đặt câu hỏi và hứng thú đi tìm câu trả lời. Trẻ đã tích lũy được một số kiến thức nhất định để áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Hầu hết trẻ đều hào hứng tham gia vào các hoạt động.
2. Bài học kinh nghiệm
Qua việc nghiên cứu:“ Một số kĩ năng về việc lựa chọn và tổ chức thực hiện hoạt động khám phá cho trẻ 4-5 tuổi trong trường mầm non tôi nhận thấy rằng để nâng cao hiệu quả hoạt động khám phá cho trẻ cần:
-Giáo viên cần hướng trẻ vào hoạt động để trẻ tự thực hiện theo mong muốn của mình, không nên áp đặt trẻ. Luôn động viên khuyến khích trẻ kịp thời khi trẻ tham gia hoạt động.
- Kết hợp giữa gia đình và nhà trường thống nhất nội dung, biện pháp giáo dục trẻ để cho trẻ đạt kết quả cao nhất
- Tuyên truyền rộng rãi đến các bậc phụ huynh bằng các hội thi, qua bảng tuyên truyền treo ngoài cửa lớp. Thường xuyên trao đổi thông báo tới các bậc phụ huynh về nội dung hoạt động của trẻ.
- Bản thân giáo viên phải luôn tìm tòi học hỏi những kinh nghiệm của đồng nghiệp đi trước, thường xuyên nghiên cứu thêm tài liệu ngoài chương trình để vận dụng vào thực tế.
3. Kiến nghị, đề xuất
* Đối với nhà trường.
Ban giám hiệu thường xuyên phát động phong trào thi đua động viên, khích lệ giáo viên trong trường sáng tạo và thiết kế một số trò chơi, hoạt động để áp dụng trong quá trình giảng dạy.
* Đối với phòng giáo dục
- Tôi rất mong các cấp lãnh đạo phòng giáo dục, thường xuyên tổ chức các buổi chuyên đề về hoạt động trải nghiệm cho trẻ trong trường mầm non.
- Cần tổ chức cho các giáo viên tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp ở các trường khác.
IV. TÀI LIỆU THAM KHẢO
STT TÊN TÀI LIỆU NHÀ XUẤT BẢN
1 Tâm lí học trẻ em Đại học sư phạm
2 Giáo dục học mầm non Đại học sư phạm
3 Dạy học theo dự án Steame Garten
4 Hướng dẫn thực hiện chương trình GDMN Giáo dục
5 Hướng dẫn hoạt động khám phá khoa học cho trẻ mầm non Giáo dục Việt Nam
6 Từ trải nghiệm thực hành đến tư duy sáng tạo Nhà xuất bản trẻ
Trên đây là một số  gợi ý tôi đã áp dụng trong việc “Lựa chọn và tổ chức thực hiện hoạt động khám phá cho trẻ 4-5 tuổi trong trường mầm non”. Trong quá trình thực hiện đề tài không tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong nhận được sự bổ sung góp ý kiến của các bạn đồng nghiệp và cấp lãnh đạo.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Hà Đông, ngày 28 tháng 2 năm 2020
                                                                                Tác giả

Nguyễn Thị Hạnh
                             


 
 
UBND QUẬN HÀ ĐÔNG           CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TRƯỜNG MN SEN HỒNG                         Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


PHIẾU KHẢO SÁT TRẺ
TRƯỚC KHI THỰC HIỆN ĐỀ TÀI SKKN

1. Tên SKKN: “Sáng kiến kinh nghiệm về việc lựa chọn và tổ chức thực hiện hoạt động khám phá cho trẻ 4-5 tuổi trong trường mầm non
2. Người khảo sát: Nguyễn Thị Hạnh
3. Đối tượng khảo sát: Trẻ 4-5 tuổi
4. Số trẻ tham gia khảo sát: 35 trẻ
5. Thời gian khảo sát: 15/ 9/ 2019
6. Nội dung khảo sát: Giáo viên sử dụng phương pháp:
- Phương pháp nghiên cứu tài liệu                 - Phương pháp thực nghiệm
- Phương pháp điều tra khảo sát                     - Phương pháp điều tra viết
- Phương pháp đàm thoại                               - Phương pháp phân tích nội dung
- Phương pháp quan sát
Khảo sát trẻ đầu năm qua các tiêu chí sau:

Nội dung khảo sát
Đạt Chưa đạt
Số trẻ Tỷ lệ (%) Số trẻ Tỷ lệ (%)
Tiêu chí 1:Trẻ tích cực, hứng thú tham gia vào hoạt động 11 31% 24 69%
Tiêu chí 2: Kỹ năng làm việc theo nhóm và cá nhân 13 37% 22 63%
Tiêu chí 3: Kỹ năng quan sát, đàm thoại, so sánh, phân loại 12 34% 23 66%
Tiêu chí 4:  Khả năng sáng tạo của trẻ 10 29% 25 71%
                                                                Hà đông, ngày 15 tháng 9 năm 2019
Người khảo sát


        Nguyễn Thị Hạnh

UBND QUẬN HÀ ĐÔNG          CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TRƯỜNG MN SEN HỒNG                          Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

PHIẾU KHẢO SÁT TRẺ
SAU KHI THỰC HIỆN ĐỀ TÀI SKKN

1. Tên SKKN: “Sáng kiến kinh nghiệm về việc lựa chọn và tổ chức thực hiện hoạt động khám phá cho trẻ 4-5 tuổi trong trường mầm non
2. Người khảo sát: Nguyễn Thị Hạnh
3. Đối tượng khảo sát: Trẻ 4-5 tuổi
4. Số trẻ tham gia khảo sát: 35 trẻ
5. Thời gian khảo sát: 28/ 2/ 2020
6. Nội dung khảo sát: Giáo viên sử dụng phương pháp:
- Phương pháp nghiên cứu tài liệu                 - Phương pháp thực nghiệm
- Phương pháp điều tra khảo sát                     - Phương pháp điều tra viết
- Phương pháp đàm thoại                               - Phương pháp phân tích nội dung
- Phương pháp quan sát
Khảo sát trẻ cuối  năm qua các tiêu chí sau:

Nội dung khảo sát
Đạt Chưa đạt
Số trẻ Tỷ lệ (%) Số trẻ Tỷ lệ (%)
Tiêu chí 1:Trẻ tích cực, hứng thú tham gia vào hoạt động 34 97% 1 3%
Tiêu chí 2: Kỹ năng làm việc theo nhóm và cá nhân 34 97% 1 3%
Tiêu chí 3: Kỹ năng quan sát, đàm thoại, so sánh, phân loại 33 94% 2 6%
Tiêu chí 4:  Khả năng sáng tạo của trẻ 32 91% 3 9%
Hà đông, ngày 28 tháng 2 năm 2020
Người khảo sát


                                                                             Nguyễn Thị Hạnh
UBND QUẬN HÀ ĐÔNG           CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TRƯỜNG MN SEN HỒNG                         Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


PHIẾU KHẢO SÁT TRẺ
TRƯỚC VÀ SAU KHI THỰC HIỆN ĐỀ TÀI SKKN

1. Tên SKKN: “Sáng kiến kinh nghiệm về việc lựa chọn và tổ chức thực hiện hoạt động khám phá cho trẻ 4-5 tuổi trong trường mầm non
2. Người khảo sát: Nguyễn Thị Hạnh
3. Đối tượng khảo sát: Trẻ 4-5 tuổi
4. Số trẻ tham gia khảo sát:35 trẻ
5. Thời gian khảo sát: 15/ 9/ 2019 – 28/2/2020
6. Nội dung khảo sát: Giáo viên sử dụng phương pháp:
- Phương pháp nghiên cứu tài liệu                 - Phương pháp thực nghiệm
- Phương pháp điều tra khảo sát                     - Phương pháp điều tra viết
- Phương pháp đàm thoại                               - Phương pháp phân tích nội dung
- Phương pháp quan sát
- Phương pháp điều tra viết
Bảng so sánh đối chiếu số liệu trước và sau khi thực hiện các tiêu chí:

Nội dung khảo sát
Trước khi áp dụng Sau khi áp dụng
Đạt Chưa đạt Đạt Chưa đạt
Số trẻ Tỷ lệ (%) Số trẻ Tỷ lệ
(%)
Số trẻ Tỷ lệ (%) Số trẻ Tỷ lệ
Trẻ tích cực, hứng thú tham gia vào hoạt động 11 31% 24 69% 34 97% 1 3%
Kỹ năng làm việc theo nhóm và cá nhân 13 37% 22 63% 34 97% 1 3%
Kỹ năng quan sát, đàm thoại, so sánh, phân loại 12 34% 23 66% 33 94% 2 6%
Khả năng sáng tạo của trẻ 10 29% 25 71% 32 91% 3 9%
                                                                 Hà đông, ngày 28 tháng 2 năm 2019
Người khảo sát

       Nguyễn Thị Hạnh
 
  Thông tin chi tiết
Tên file:
Sáng kiến kinh nghiệm: HĐ khám phá 4-5 tuổi
Phiên bản:
N/A
Tác giả:
Nguyễn Thị Hạnh
Website hỗ trợ:
N/A
Thuộc chủ đề:
Sáng kiến kinh nghiệm
Gửi lên:
12/10/2021 06:47
Cập nhật:
12/10/2021 06:47
Người gửi:
DIỆU TRANG
Thông tin bản quyền:
N/A
Dung lượng:
1.25 MB
Xem:
308
Tải về:
8
  Tải về
Từ site Mầm non Sen Hồng:
   Đánh giá
Bạn đánh giá thế nào về file này?
Hãy click vào hình sao để đánh giá File

  Ý kiến bạn đọc

Liên hệ với chúng tôi

Phòng tiếp đón


Phòng Hiệu trưởng


Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm19
  • Hôm nay319
  • Tháng hiện tại19,456
  • Tổng lượt truy cập636,985
Ảnh quảng cáo bên trái
TRƯỜNG MN SEN HỒNG
MN SEN HỒNG
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây