Sáng kiến kinh nghiệm: HĐ tạo hình ( 5-6 tuổi)



 


ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN HÀ ĐÔNG

 
 
MÃ SKKN
 











SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM

MỘT SỐ Ý TƯỞNG LỰA CHỌN NỘI DUNG VÀ NGUYÊN
VẬT LIỆU ĐỂ PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG SÁNG TẠO CỦA TRẺ TRONG HOẠT ĐỘNG TẠO HÌNH”




   Lĩnh vực:             Giáo dục mầm non
                                  Cấp học:                Mầm non
                                  Tên tác giả:            Nguyễn Thị Thu Hương
                                  Đơn vị công tác:    Trường mầm non Sen Hồng      
                                  Chức vụ:                Giáo viên






Năm học: 2019 – 2020
 
 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

1. Lý do chọn đề tài

Đối với lứa tuổi Mầm non hoạt động tạo hình có một vị trí rất quan trọng. Nó là một hoạt động sáng tạo không thể thiếu được. Thông qua hoạt động tạo hình giúp trẻ cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên trong cuộc sống về thế giới xunh quanh trẻ, giúp trẻ thể hiện xúc cảm, tình cảm của mình. Khi tham gia hoạt động tạo hình qua sự hướng dẫn gợi mở của giáo viên, từ đó trẻ có thể tìm hiểu khám phá kích thích sự hứng thú với hoạt động tạo hình.
Dạy tạo hình cho trẻ mẫu giáo không phải là đào tạo cho trẻ thành các họa sĩ mà thông qua hoạt động tạo hình nhằm khơi gợi và phát huy khiếu thẩm mĩ vốn có ở trẻ. Gây cho trẻ hứng thú trước cái đẹp, tiến tới hình thành thị hiếu thẩm mĩ. Dạy trẻ hoạt động tạo hình giúp trẻ bước đầu làm quen với phương tiện và ngôn ngữ tạo hình như: Đường nét, hình dáng, màu sắc, bố cục…… thông qua đó phát triển năng lực quan sát phát triển trí nhớ, trí tưởng tượng sáng tạo. Không chỉ vậy, dạy tạo hình cho trẻ mẫu giáo còn có ý nghĩa tích cực trong việc chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1. Người giáo viên mầm non cần có những phương pháp phù hợp với từng độ tuổi, điều kiện của trường, lớp để có một giờ học đạt kết quả cao, tăng khả năng nhận thức của trẻ.
Trong thực tế việc tổ chức các hoạt động tạo hình theo phương pháp đổi mới cũng đã mang lại hiệu quả tới việc phát huy khiếu thẩm mĩ vốn có ở trẻ. Song người giáo viên vẫn còn lúng túng trong việc lựa chọn nội dung khi tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ, nội dung được lựa chon vẫn còn mang tính áp đặt, dập khuôn theo mẫu, sao chép chưa phát huy hết khả năng sáng tạo và sự linh hoạt của người giáo viên khi tổ chức hoạt động tạo hình. Vậy giáo viên phải làm gì, làm như thế nào để trẻ có thể vận dụng các kỹ năng đã học tạo ra những sản phẩm đẹp, phong phú và mang tính ứng dụng trong cuộc sống.
Bản thân tôi là một giáo viên trẻ, thời gian tôi được trực tiếp giảng dạy cho các con còn chưa nhiều nhưng tôi luôn muốn được đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình để nâng cao chất lượng giảng dạy, nên tôi đã không ngừng cố gắng tìm tòi và thử sức với những đề tài mới. Chính vì vậy, tôi đã mạnh dạn chọn đề tài “Một số ý tưởng trong việc lựa chọn nội dung và nguyên vật liệu để mở rộng và phát triển khả năng sáng tạo của trẻ trong hoạt động tạo hình”.

2. Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở thực tiễn việc nghiên cứu đề tài nhằm mục đích tìm ra một số ý tưởng trong việc lựa chọn nội dung và nguyên vật liệu để mở rộng và phát triển khả năng sáng tạo của trẻ trong hoạt động tạo hình để phát huy tính năng động, óc sáng tạo, tính kiên trì tỷ mỉ, góp phần vào việc nâng cao chất lượng cho trẻ Mầm non.

3. Đối tượng nghiên cứu

Trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo nhỡ 4 – 5 tuổi.
  1. Thời gian khảo sát thực nghiệm
Bắt đầu từ tháng 9 năm 2019 cho đến tháng 3 năm 2020 là kết thúc.
 

II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

1. Thực trạng trước khi thực hiện

  1. Cơ sở lý luận:
Hoạt động tạo hình là một hoạt động nghệ thuật, một nội dung quan trọng không thể thiếu được trong chương trình chăm sóc giáo dục mầm non. Cho trẻ làm quen với hoạt động tạo hình nhằm giáo dục tình cảm, đạo đức, thẩm mĩ đồng thời tạo điều kiện cho trẻ phát huy năng khiếu góp phần phát triển trí tuệ và thể chất cho trẻ. Khi tạo ra sản phẩm tạo hình trẻ tham gia một cách tích cực kết hợp giữa tính tích cực của trí tuệ và thể lực. Đó là sự vận dụng kỹ năng, kỹ xảo, sử dụng dụng cụ và các phương tiện tạo hình, trí nhớ, trí tưởng tượng sáng tạo thông qua các hoạt động đó phát triển các nhóm cơ bàn tay, ngón tay từ vụng về đến linh hoạt.
Thông qua hoạt động tạo hình giúp trẻ phát triển trí tuệ nhận thức được hiện thực thật khách quan bằng hình tượng nghệ thuật, phát triển khả năng tri giác về hình dạng, cấu trúc, kích thước, màu sắc của đồ vật bằng mắt một cách có mục đích rõ ràng. Khi tham gia các hoạt động tạo hình trẻ đã tái tạo được hình tượng nghệ thuật của đồ vật mà chúng tri giác được. Đó chính là những biểu tượng được hình thành trong quá trình trực tiếp đồ vật hiện tượng trong khi dạo chơi, tham quan và vui chơi các đồ chơi trẻ em. Khi quan sát trẻ so sánh hình dáng, kích thước, màu sắc, không gian của đồ vật như vậy hoạt động tạo hình đã góp phần tích cực trong việc hình thành ở trẻ những thao tác tư duy như “Phân tích, so sánh, tổng hợp, khái quát, phát triển tư duy trực quan hình tượng và phát triển trí nhớ, trí tưởng tượng sáng tạo” đồng thời trong quá trình hoạt động tạo hình ngôn ngữ của trẻ cũng được phát triển theo, thông qua hoạt động hoạt động tạo hình giáo dục đạo đức cho trẻ biết yêu quý cái đẹp, cái tốt, phận biệt được cái thiện cái ác. Trong quá trình tạo sản phẩm trẻ được rèn luyện tính kiên trì, bền bỉ làm việc có mục đích được hòa đồng trong tập thể. Từ đó hình thành tính đoàn kết tương trợ giúp đỡ cởi mở thân ái với bạn bè.
Hoạt động tạo hình còn góp phần giáo dục thẩm mĩ cho trẻ Mầm non. Thông qua hoạt động tạo hình để phát triển ở trẻ khả năng cảm thụ thẩm mĩ và bồi dưỡng xúc cảm thẩm mĩ những vẻ đẹp đa dạnh của hình dáng sự phong phú của màu sắc đồ vật thiên nhiên và sự lặp đi lặp lại của các yếu tố tạo hình như sự cân đối đa dạng về cấu trúc, hình dáng về tính truyền cẩm của đường nét. Đã thu hút những hứng thú và gây cho trẻ những cảm xúc tình cảm thẩm mĩ được nảy sinh và trở nên sâu sắc.
Hoạt động tạo hình có ý nghĩa to lớn trong giáo dục lao động cho trẻ mầm non. Hoạt động tạo hình là hoạt động tạo ra sản phẩm, quá trình tại hình là một quá trình lao đông nghệ thuật mang tính sáng tạo, còn góp phần hình thành ở trẻ ý thức làm việc có mục đích có kỹ năng.
Để tạo ra sản phẩm trẻ phải nắm vững các thao tác, kỹ năng tạo hình và kỹ năng sử dụng dụng cụ, vật liệu cùng với tính tích cực độc lập, sáng tạo. Tạo hình không chỉ nâng cao khả năng nhận thức của trẻ, phát triển khả năng ghi nhớ, khả năng định hướng trong không gian mà còn góp phần làm giàu trí tưởng tượng, sáng tạo cho trẻ. Việc tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng là một điều kiện tốt để phát triển các kỹ năng tạo hình và phát huy tính tích cực, khả năng sáng tạo của trẻ.
  1. Cơ sở thực tiễn:
Hoạt động tạo hình giúp trẻ phát triển khả năng quan sát, trí tưởng tượng sáng tạo, khả năng phối hợp giữa tay và mắt, hoàn thiện một số kĩ năng cơ bản trong các hoạt động (vẽ, nặn, cắt, xé dán, …). Giờ hoạt động tạo hình mang lại cho trẻ những cảm xúc thực sự, trẻ thích thú và hình thành ở trẻ những kĩ năng như: Tư thế ngồi ngay ngắn, kĩ năng cầm bút vẽ và tô màu tranh, kỹ năng nặn (lăn dọc, xoay tròn, ấn bẹp,..) kỹ năng vẽ, xé dán… Nó giúp trẻ hoàn thiện những sản phẩm nghệ thuật và phát triển các cơ ngón tay và bàn tay.
Với hoạt động tạo hình không phải là vấn đề mới, nó là công việc thường xuyên của mỗi giáo viên đứng lớp. Ta thấy đây là hoạt động khó, rất phức tạp, đa dạng. Trong quá trình hình thành, rèn luyện, củng cố các kỹ năng các em không thể tránh khỏi những khó khăn, sai lầm. Vì thế người giáo viên đóng vai trò quan trọng - là cầu nối học sinh với những kiến thức mới của bài học, giúp học sinh học tốt, nắm vững kiến thức và biết cách thực hiện yêu cầu của bài học, của hoạt động. Qua đó tạo được một không khí hoạt động mà ở đó mọi trẻ đều hăng hái, hứng thú tham gia.
Bản thân tôi qua thực tế giảng dạy bộ môn tạo hình được tiếp cận với phụ huynh học sinh, qua các tiết dạy tôi nhận thấy rằng phụ huynh đã phần nào quan tâm đến việc học của trẻ tại cấp bậc học mầm non nói chung và việc học tạo hình của trẻ tại trường mầm non nói riêng nhưng chưa thực sự vào cuộc mà vẫn còn ỉ lại cho cô giáo và nhà trường, khả năng sáng tạo của trẻ trong tạo hình vẫn chưa thực sự được phát huy tối đa. Là một giáo viên Mầm non tôi nhận thấy mình phải có trách nhiệm đi sâu tìm tòi nghiên cứu để có thể tuyên truyền đến các bậc phụ huynh đặc biệt là giúp trẻ cảm nhận được nghệ thuật tạo hình để từ đó khả năng sáng tạo của trẻ được mở rộng và phát triển tốt hơn, nhằm góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hình thành nhân cách cho trẻ.
Từ những cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn trên tôi thấy việc cho trẻ làm quen với hoạt động tạo hình là công việc hết sức quan trọng trong quá trình giáo dục trẻ để trở thành những con người phát triển toàn diện, hài hòa nhân cách. Hiểu rõ được tầm quan trọng của môn tạo hình cho nên tôi đã chọn đề tài giáo dục tạo hình để nghiên cứu và dạy dỗ trẻ.

2. Thực trạng của vấn đề

a. Thuận lợi:
- Nhà trường quan tâm đầu tư cơ sở vật chất tốt, lớp học khang trang, đầy đủ đồ dùng học tập.
- Nhà trường thường xuyên tổ chức chuyên đề, dự giờ thăm lớp bồi dưỡng cho giáo viên về chuyên môn.
- Bản thân không ngại khó, luôn trau dồi học hỏi về chuyên môn.
  1. khó khăn:
- Số trẻ trong lớp đông, nhiều trẻ chưa qua lớp mẫu giáo bé nên kỹ năng tạo hình của trẻ còn chưa đồng đều.
- Trẻ còn thiếu tự tin khi thể hiện ý tưởng của mình do đó hiệu quả hoạt động chưa cao.
- Trẻ còn quen với thói quen ỉ lại, không sáng tạo mà sao chép gần như toàn bộ lại mẫu của cô.
- Bản thân tôi qua thực tế giảng dạy bộ môn tạo hình tại nhóm lớp, tôi nhận thấy rằng học sinh chưa thực sự hứng thú với hoạt đông tạo hình.
Tất cả những khó khăn trên ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của trẻ.
Là một giáo viên Mầm non tôi nhận thấy mình phải có trách nhiệm đi sâu tìm tòi nghiên cứu để có thể giúp trẻ cảm nhận được nghệ thuật tạo hình để từ đó trẻ ham thích hăng say vào hoạt động nhằm góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hình thành nhân cách cho trẻ, phát triển trí tưởng tượng óc sáng tạo
Với những thuận lợi và khó khăn như thế, bản thân luôn cố gắng suy nghĩ phải tìm giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề một cách hợp lí. Do đó tôi tiếp tục nghiên cứu đề tài sáng kiến kinh nghiệm về “Một số ý tưởng lựa chọn nội dung và nguyên vật liệu để phát triển khả năng sáng tạo trong hoạt động tạo hình của trẻ”.

3. Các biện pháp thực hiện:

3.1. Biện pháp 1: Xây dựng kế hoạch hoạt động theo mô hình các dự án nhỏ, sáng tạo phù hợp với từng độ tuổi.

Dạy trẻ học tạo hình theo dự án là một hình thức dạy học trong đó trẻ đóng vai trò trung tâm, dưới sự giúp đỡ của cô giáo, trẻ tự giải quyết một nhiệm vụ học tập mang tính phức hợp nào đó cả về lý thuyết lẫn thực hành. Qua đó trẻ tạo ra được các sản phẩm của mình và có thể giới thiệu chúng với mọi người.
Với việc dạy trẻ học tạo hình theo dự án, giáo viên không còn giữ vai trò chủ đạo mà là người hướng dẫn, giúp đỡ, tạo môi trường, tạo vai trò cho trẻ trong dự án. Theo đó, tính tự lực, tích cực tham gia vào các hoạt động của trẻ được nâng cao; đòi hỏi, khuyến khích và phát triển sự sáng tạo, tính trách nhiệm, kĩ năng làm việc nhóm và đặc biệt phát triển ở trẻ kỹ năng tư duy, giải quyết các vấn đề phức hợp.
Việc dạy trẻ học tạo hình theo dự án được triển khai theo 3 bước cơ bản: Mở dự án, triển khai dự án và đóng dự án.
Bước mở dự án là bước đóng vai trò quan trọng trong suốt quá trình thực hiện dự án. Giáo viên thực hiện mở dự án thành công sẽ tạo cho trẻ hứng thú, động lực để trẻ tham gia dự án một cách tích cực. Hoạt động mở dự án giúp cho giáo viên khảo sát được kiến thức của trẻ về đề tài đã lựa chọn để chủ động định hướng hoạt động của trẻ. Dạy tạo hình theo dự án kích thích tư duy của trẻ phát triển. Còn về phía học sinh, trẻ được tái hiện lại những kiến thức mình đã biết về đề tài và liệt kê ra những điều mình muốn biết thêm về đề tài, giáo viên có thể gợi ý để trẻ tìm ra vấn đề. Từ đó trẻ tự lập được kế hoạch cho mình trong quá trình tham gia dự án: Tìm câu trả lời cho những thắc mắc bằng cách nào? Làm như thế nào?...
Giai đoạn triển khai dự án. Đây là quá trình trẻ thực hành tìm hiểu các kiến thức trả lời cho các thắc mắc của mình bằng các hoạt động với các kỹ năng: tìm kiếm, thu thập, lưu trữ và xử lý thông tin, tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế. Trong giai đoạn này giáo viên sẽ giúp trẻ lên kế hoạch tìm kiếm thông tin qua các phương tiện như máy ảnh, máy tính, chuyến đi, vẽ…. sau đó trẻ sẽ báo cáo lại kết quả tìm được thông tin đó.
Đóng dự án là bước triển khai cuối cùng trong một dự án học. Ở bước đóng dự án này, trẻ được thể hiện lại những kiến thức, kỹ năng trẻ lĩnh hội đươc qua quá trình tham gia dự án. Để làm được điều đó đòi hỏi trẻ phải có kỹ năng ghi nhớ, tổng hợp, thuyết trình… Giai đoạn tổng kết, đóng dự án trẻ có thể so sánh minh chứng, bằng chứng với những cái trẻ đã biết và muốn biết, sau đó cùng nhau thảo luận về cách trình bày, thể hiện với mọi người. Cuối cùng các bé có thể mời bố mẹ, khách, bạn bè tới tham dự buổi tổng kết để chứng kiến và xem mình thể hiện sự hiểu biết thông qua những vấn đề trong dự án vừa học.
Dạy học theo dự án là tôn trọng sự khác biệt nên việc thiết kế môi trường phong phú để trẻ có thể tự chọn đề tài, nội dung tạo hình phù hợp với với sở thích và năng lực cá nhân sẽ thu hút được hứng thú của trẻ khi tham gia hoạt động tạo hình. Người giáo viên khi xây dựng nội dung dự án cần chú ý đến tính thực tiễn, gắn việc học tập trong nhà trường với thực tiễn đời sống của trẻ. Có thể kể đến một vài dự án như: “Lớp học của bé”, “Hạt ngũ cốc”, “Đồ tái chế”, “Bắp Ngô” hay Dự án “Trang phục”.
Ví dụ trong dự án “Trang phục” diễn ra với rất nhiều các hoạt động nghiên cứu, tìm tòi, thực hành trong suốt hai tuần lễ, tuần đầu tiên của dự án là vô vàn các câu hỏi được các con đặt ra và mong muốn tìm được lời giải đáp. Mỗi bạn nhỏ đều tự có cho mình "bộ câu hỏi" mà các con thực sự muốn tìm hiểu. Sau một tuần đầu làm quen và nắm bắt thông tin, tuần thứ hai được diễn ra với một chuỗi các hoạt động thực hành chuyên sâu, giúp các con có cái nhìn cũng như cách cảm nhận khách quan và thực tế. Các con đã được cô giáo hướng dẫn tạo hình nghệ thuật "độc bản" trên chất liệu vải thô. Qua buổi học, các bạn hiểu được việc tạo và in hình lên vải không đơn thuần chỉ là dùng khuôn công nghiệp khó kiếm, chúng ta hoàn toàn có thể tự tạo ra khuôn của bản thân bằng việc vận dụng các đồ vật xung quanh như miếng khoai tây cắt ngang sẽ cho ta hình tròn, lõi giấy vệ sinh giúp chúng ta tạo hình elips…
Hoạt động chiều các bạn được cô giáo hướng dẫn gấp quần áo, nhưng bằng một cách rất đặc biệt: Gấp trang phục với máy gập quần áo. Bằng việc sáng tạo các tấm bìa các tông, cô giáo đã giúp các bạn chế tạo chiếc máy gấp quần áo của chính mình.
 
Hình ảnh: Trẻ tạo hình trên chất liệu vải   Hình ảnh: Trẻ tạo máy gấp quần áo
Sau buổi hoạt động các bạn nhỏ được làm quen và học làm người mẫu. Tại đây, cô giáo đã hướng dẫn các bạn nhỏ cách đi catwalk trên sân khấu, cách tạo dáng và biểu diễn thời trang sao thật chuyên nghiệp mà không kém phần nhí nhảnh, đáng yêu.
Để có một dự án trang phục thành công và đem lại hiệu quả cụ thể nhìn thấy được, cùng ngày vào buổi chiều, các bạn nhỏ  được tham gia vào hoạt động rất thiết thực và bổ ích: Sáng tạo đo, cắt, tự tạo trang phục từ các bộ quần áo đã cũ.
    
Hình ảnh: Trẻ tự tin biểu diễn trang phục   Hình ảnh: Trẻ tập đo trang phục
Tiếp nối ngay sau hoạt động cắt, may trang phục, các bạn nhỏ được cô giáo dẫn tới cửa hàng thế giới thời trang để thực hành kỹ năng lựa chọn đồ và tự tay mua sắm sản phẩm quần áo cho chính mình.
Để kết thúc dự án, các bé đã có buổi dã ngoại tới thăm làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông. Mục tiêu mấu chốt của hoạt động này là đem đến cho các con cái nhìn chân thực nhất về một hoạt động sản xuất mang đậm tính truyền thống: vải lụa.
     
Hình ảnh: Trẻ tự chọn trang phục    Hình ảnh: Trẻ tìm hiểu về làng lụa Vạn Phúc

3.2 .Biện pháp 2: Sử dụng đa dạng các nguyên vật liệu mở, nguyên vật liệu thiên nhiên và các tác phẩm nghệ thuật trong hoạt động tạo hình.

Khi thực hiện hoạt động tạo hình, nguyên vật liệu không thể thiếu được. Vậy để hoạt động tạo hình có hiệu quả, việc sử dụng nguyên vật liệu tạo hình là vô cùng quan trọng. Lựa chọn nguyên vật liệu phù hợp với trẻ chính là một trong những chìa khóa quan trọng để mở ra cánh cửa tư duy sáng tạo của trẻ. Chính vì thế việc ưu tiên chọn những nguyên vật liệu mở, nguyên vật liệu thiên nhiên sẽ giúp cho khả năng sáng tạo của trẻ được mở rộng và phát triển một cách tối đa nhất. Nguyên vật liệu mở là những loại đồ dùng, dụng cụ dễ kiếm như các phế liệu trong sinh hoạt gia đình: lõi giấy vệ sinh, các hộp bánh kẹo, các túi nilon, các lon đồ hộp, báo cũ, tạp chí, quần áo cũ, bông, vải vụn … Nguyên vật liệu thiên nhiên có thể trẻ tự kiếm như: lá cây, gạo, các loại hạt ngũ cốc, vỏ ngao, vỏ ốc, quả thông, cành cây khô,  … Sự đa dạng của nguyên vật liệu tạo hình tạo ra nhiều sự lựa chọn để khuyến khích khả năng sáng tạo của trẻ.
Tuy nhiên, khi sưu tầm nguyên vật liệu tôi đã cân nhắc để “kho” nguyên vật liệu cần đảm bảo tính an toàn (không độc, không nhọn, không có cạnh sắc..); dễ cầm (kích cỡ phù hợp với tay trẻ); dễ bảo quản và cất giữ; dễ phục hồi hoặc sửa chữa; đặc biệt đòi hỏi trí nhớ, sự tưởng tượng và óc quan sát của trẻ và tạo cơ hội để trẻ lựa chọn, sắp xếp nguyên vật liệu. Để có được các nguyên vật liệu phong phú và đa dạng cô giáo cần tuyên truyền với phụ huynh bằng các sản phẩm của trẻ, viết thông báo về các nguyên vật liệu cần thu gom, tư vấn cho phụ huynh giúp trẻ sưu tầm thêm các loại nguyên vật liệu khác nhau. Sau đó, tôi phân loại và sắp xếp các nguyên vật liệu đó vào các giá, các góc chơi. Các nguyên vật liệu được cho vào trong hộp, rổ và được đánh tên, nhãn mác, luôn trong tình trạng mở để trẻ được tiếp xúc thường xuyên tạo cho trẻ có nhiều cơ hội làm quen và hiểu về các nguyên vật liệu mà trẻ sưu tầm được cùng với trí tưởng và khả năng sáng tạo của trẻ để tạo ra các sản phẩm tạo hình phong phú.
            
Hình ảnh: Nguyên vật liệu mở, nguyên vật liệu thiên nhiên sắp xếp trong góc
Song song với việc cho trẻ làm quen tiếp xúc với nguyên vật liệu tạo hình, việc tạo môi trường nghệ thuật xung quanh trẻ, lấy trẻ làm trung tâm sẽ tạo cho trẻ cảm giác hứng thú và muốn được hoạt động. Đồng thời tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc, quan sát, nhận xét các tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ, các sản phẩm sưu tầm hoặc chính các sản phẩm của cô để trẻ thấy được giá trị của các nguyên vật liệu đó. Cô giáo là người phân tích cách thể hiện tác phẩm giúp trẻ tưởng tượng từ đó kích thích sự sáng tạo ở trẻ trong những sản phẩm của trẻ sau này. Một đứa trẻ thích vẽ tranh hay thích quan sát các tác phẩm hội họa, đó là tiền đề của niềm đam mê hội họa, vì thế cha mẹ hay cô giáo nên khuyến khích, động viên và tạo điều kiện để có thể phát huy khả năng đó. Cô giáo hãy tổ chức cho trẻ có thể tham gia vào các câu lạc bộ mỹ thuật, ở đây trẻ được thảo luận với nhau về những tác phẩm nghệ thuật mà trẻ mới được làm quen hoặc trẻ mới sưu tầm được; hay chỉ đơn giản là trẻ được cùng nhau ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn cả trên thế giới thông qua nhiều kênh thông tin đại chúng như: báo, mạng, máy tính, điện thoại, ti vi, … 
 
Hình ảnh: Các tác phẩm trong góc       Hình ảnh: Trẻ tham gia CLB nghệ thuật

3.3. Biện pháp 3: Đổi mới các hoạt động tạo hình cho trẻ.

    1. Tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ thông qua môi trường thiên nhiên.
Nguồn ấn tượng không bao giờ cạn về cái đẹp chính là thiên nhiên. Thiên nhiên có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với sự phát triển của tâm hồn con người. Con người mỗi lúc buồn chán lại tìm đến thiên nhiên, ngồi yên lặng nhìn đồng cỏ với âm thanh rì rào trong gió, lúc đó ta lại cảm thấy yêu đời hơn, muốn sống tốt đẹp hơn. Do đó, cần biết tận dụng sức mạnh của thiên nhiên để giáo dục tâm hồn trong sáng cho trẻ, tìm cho trẻ khung cảnh thiên nhiên với ánh mặt trời rực rỡ, những khóm cây khoác trên mình mảnh lá xanh non đang đưa mềm mại trong gió, giọt sương long lanh trên lá, những bông hoa muôn màu, … để trẻ thể hiện qua hình vẽ của mình.
Hoạt động tạo hình cần biết khuyến khích trẻ quan sát, nhận xét các sự vật hiện tượng thiên nhiên giúp trẻ bị thu hút vào vẻ đẹp tinh tế của thiên nhiên, tâm hồn trẻ sẽ tràn ngập niềm vui sướng khi tiếp xúc với thiên nhiên, trẻ càng yêu quý thiên nhiên và muốn mình trở nên đẹp hơn, tốt hơn; đồng thời tăng thêm ý thức bảo vệ và chăm sóc thiên nhiên tạo môi trường ngày càng đẹp hơn cho trẻ.
    1. Đưa trẻ đến với thế giới hội họa.
Hãy cùng trẻ tham gia những cuộc triển lãm tranh của các nhà họa sĩ treo tại những phòng tranh, siêu thị hay chỉ đơn giản là được đến với những cuộc triển lãm các sản phẩm tạo hình mà chính cô và trò cùng nhau tạo lên … Điều đó quả thật có ý nghĩa to lớn trong sự phát triển khả năng sáng tạo ở trẻ bởi vì  những bức tranh nghệ thuật là những cửa sổ mà ở đó con người sẽ nhìn thấy thế giới trong sáng hơn. Yêu cầu sơ đẳng trong hội họa với trẻ mẫu giáo là quan sát thiên nhiên để có cảm xúc yêu thích những bức tranh. Từ chỗ ngắm nhìn những bức tranh sẽ dẫn đến trẻ hứng thú vẽ tranh, đây là thời điểm trí tưởng tượng của bé phát triển phong phú nhất. Những đồ chơi, đồ vật, đám mây, mặt trời, ngôi nhà thân yêu, hình ảnh cha mẹ, cô giáo … đều là đề tài yêu thích trong các bức vẽ của trẻ. Sự sáng tạo của trẻ trong tranh vẽ sẽ trở thành phương tiện để trẻ nhận thức cái đẹp và thể hiện sự phong phú của tâm hồn trẻ.
                
Hình ảnh: Trẻ học tạo hình với thiên nhiên. Hình ảnh trẻ đến với thế giới hội họa
    1. Tổ chức các hoạt động tạo hình thông qua lễ hội.
Đây lại chính là động lực thúc đẩy các em bước những bước tiếp theo trong quá trình hoàn thiện mình về mặt sáng tạo trong tạo hình dưới vai trò chủ đạo của nhà giáo dục. Ngoài những tiết học tạo hình trên lớp trẻ cần được ôn luyện mọi nơi, mọi lúc để được trình bày hay thể hiện những gì mình học được. Thông qua các hoạt động tổ chức lễ hội, có thể tổ chức hoạt động tạo hình theo một chương trình trưng bày sản phẩm mà tất cả trẻ được tham gia nhằm giúp trẻ mở rộng và phát triển khả năng sáng tạo trong tạo hình. Thông qua những hoạt động này, trẻ không chỉ được củng cố kỹ năng đã được học, được tự tay làm ra những sản phẩm thiết thực ứng dụng trong cuộc sống mà thông qua đó trẻ còn học được cách làm việc theo nhóm, tích lũy thêm kiến thức thực tế trong cuộc sống và quan trọng hơn đó là sự tự tin vào bản thân.
Ví dụ: Ngày hội tái chế (trẻ được cắt – dán trang trí những chiếc túi từ quần áo cũ, tô màu – vẽ những sản phẩm từ chai lọ, làm tranh từ sỏi, …), hội chợ xuân (làm tranh chữ thư pháp, làm đèn lồng, làm câu đối, …), …
    1. Thường xuyên tổ chức các cuộc thi cho trẻ.
Tổ chức cho trẻ thi vẽ (vẽ tặng bà, mẹ, cô giáo, ngày sinh nhật …), ngày hội tạo hình theo chủ đề nhân các ngày lễ, ngày hội hàng năm (như ngày 8/3, 1/6, 20/11, 22/12 …) nhằm khuyến khích những trẻ có khả năng, năng khiếu về lĩnh vực tạo hình và thể hiện sự sáng tạo của mình góp phần khơi gợi óc nghệ thuật cho trẻ, động viên khuyến khích những trẻ nhút nhát, thiếu tự tin cố gắng hơn để tạo ra được nhiều tác phẩm đẹp. Qua hội thi trẻ tự thể hiện khả năng tạo hình với nhiều hình thức khác nhau. Các bé được tham gia rất nhiều hoạt động như: Vẽ màu nước, in tranh bằng các nguyên vật liệu (rau, củ, quả, ngón tay); cắt dán trang trí mặt nạ, làm hộp bút, làm câu đối Tết... hay những bức tranh tĩnh vật, tranh chân dung mẹ vẽ bằng màu bột, rất nhiều bức tranh phong cảnh về quê hương đất nước và những sản phẩm vô cùng sáng tạo của bé.
Để khích lệ, động viên trẻ tham gia các hoạt động tạo hình và tạo cơ hội cho trẻ thể hiện năng khiếu bản thân, trong các cuộc thi đều trao một số giải thưởng; Giải ấn tượng, giải tài năng, giải tác phẩm ngộ ngĩnh... Tất cả những trẻ tham dự hội thi đều được trao giải thưởng. Do vậy trẻ rất thích thú, phấn khởi, qua đó kích thích trẻ tạo ra sản phẩm và rèn kỹ năng tạo hình từ các cuộc thi.
 
Hình ảnh: Trẻ làm tranh sỏi trong          Hình ảnh: trẻ tham gia thi “Bé khéo tay”
      hoạt động ngày hội tái chế

3.5. Biện pháp 4: Phối kết hợp với phụ huynh.

Như chúng ta đã biết rèn luyện khả năng sáng tạo trong tạo hình cho trẻ là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của riêng nhà trường mà còn là nhiệm vụ của phía gia đình và phụ huynh cùng phối kết hợp với nhà trường như vậy mới cho được hiệu quả rèn luyện trẻ được tốt nhất. Thế nhưng, chúng ta phải phối hợp như thế nào để đạt được mục tiêu chúng ta mong muốn bởi vì công tác tuyên truyền thì hầu như cô giáo nào cũng đã thực hiện, nhưng tuyên truyền như thế nào để đạt được hiệu quả, khoa học và điều quan trọng là khả năng sáng tạo trong tạo hình của trẻ được mở rộng hơn, phát triển hơn.
Ngay từ đầu năm học, ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các lớp họp phụ huynh để phổ biến nhiệm vụ năm học và mục tiêu phấn đấu của lớp và nhà trường. Qua cuộc họp tôi đã thông qua một số ý kiến về tầm quan trọng của việc phát triển khả năng sáng tạo của trẻ trong hoạt động tạo hình. Ngoài ra tôi còn thường xuyên trao đổi với phụ huynh trong giời đón trả trẻ, giúp phụ huynh hiểu biết về tình hình học tập của con em mình trên lớp, hướng dẫn phụ huynh dạy trẻ các kỹ năng tạo hình từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Thông báo về chương trình dạy theo dự án và thay tin hàng tuần để phụ huynh biết và phối hợp với giáo viên rèn luyện thêm cho trẻ; vận động phụ huynh hỗ trợ kinh phí và vật liệu mở cho hoạt động hội hoạ và tổ chức các hoạt động tạo hình như: thùng giấy, hộp sữa, bảng, chai nhựa, quần áo cũ, dụng cụ hóa trang…

Hình ảnh: Phụ huynh ủng hộ nguyên vật liệu tạo hình
 Khuyến khích phụ huynh tạo cơ hội cho trẻ mở rộng lĩnh vực thể hiện tài năng sáng tạo của trẻ trong tạo hình. Tài năng của trẻ chỉ được mọi người biết đến và công nhận khi nó được thể hiện ra. Vì vậy, trước hết hãy tạo cho trẻ là một con người tự tin và mạnh dạn. Khi người thân hoặc bạn bè tổ chức các hoạt động mừng sinh nhật, ngày cưới, ngày lễ tết hay một kỷ niệm một dịp quan trọng nào đó, hãy hướng dẫn trẻ chuẩn bị trước và nắm lấy cơ hội để thể hiện tài năng của bản thân qua các bức vẽ hay tác phẩm nghệ thuật độc đáo nào đó. Khi có nhiều cơ hội tham gia hoạt động, trẻ sẽ tiến bộ không ngừng và thay đổi cuộc sống của mình. Trí tuệ sáng tạo sẽ không ngừng vươn xa nếu chúng ta biết cách luyện tập thường xuyên, đều đặn. Do vậy,bất cứ lúc nào cũng có thể rèn luyện khả năng của trẻ không chỉ trên lớp học mà con là những hoạt động diễn ra xung quanh trẻ.
Ví dụ như khi đang ở trên phố, trẻ có cơ hội được ngắm thế giới tươi đẹp với những ngôi nhà xinh xắn được kiến trúc theo lối cổ xưa hay hiện đại, ngắm những tấm biển quảng cáo rực rỡ sắc màu hay những khuôn mặt rạng ngời của mọi người, và trẻ có thể tái hiện lại những hình ảnh đó bằng những tác phẩm mỹ thuật (tranh vẽ, mô hinh…) qua óc tưởng tượng phong phú của mình - đó chính là cách luyện tập tuyệt vời.
 Một lời khuyên đó là đừng bao giờ để trẻ nghĩ rằng mình không thể làm được cái này hay cái khác. Trong mỗi lĩnh vực, chúng chỉ bỡ ngỡ lúc ban đầu khi mọi việc đều là mới lạ. Hãy cố gắng rèn luyện cho trẻ để trẻ tự khẳng định có thể làm được điều đó, vì thế mà lĩnh vực thể hiện tài năng của trẻ sẽ trở nên rộng lớn vô hạn.

4. Kết quả thực hiện:

  1. Về phía trẻ và phía phụ huynh
Trẻ rất hứng thú trong giờ học. Hơn nữa, các kỹ năng tạo hình của trẻ được nâng cao, trẻ hoạt động tích cực và sáng tạo hơn. Kết quả cho thấy những trẻ không biết làm gì, vẽ gì, không hoàn thiện được sản phẩm tạo hình nào giờ rất say mê tham gia hoạt động tạo hình.
Phụ huynh rất phấn khởi khi thấy con mình tích cực học tập, tự tay làm ra những sản phẩm đẹp, phong phú. Đa số phụ huynh hưởng ứng nhiệt tình. Nhiều phụ huynh ngày càng tin tưởng, chăm lo hơn đến phương pháp giáo dục trẻ, có ý thức đóng góp nguyên vật liệu tạo hình.
  1. Về phía giáo viên và nhà trường
Xác định được vai trò định hướng các nội dung trong hoạt động tạo hình, luôn tạo cơ hội cho trẻ phát huy tính tích cực và độc lập, rèn luyện tính sáng tạo cho trẻ; có kinh nghiệm trong việc tổ chức môi hoạt động tạo hình, giáo dục cho trẻ theo chuyên đề phát triển thẩm mĩ của phòng giáo dục quận Hà Đông.
Sự quan tâm thích đáng của phụ huynh kết hợp với quá trình chịu khó học hỏi, sưu tầm, nghiên cứu, sáng tạo, khéo léo, tận tụy của bản thân trong việc nâng cao khả năng sáng tạo của trẻ trong hoạt động tạo hình giúp trẻ chủ động sáng tạo trong các hoạt động tạo hình theo nhu cầu phù hợp độ tuổi, ở đó trẻ được “học mà chơi, chơi mà học”; được bổ sung, củng cố rèn luyện khả năng sáng tạo.
Nhà trường tổ chức các hoạt động mang tính tập thể cao như: “Ngày hội tái chế”, “Hội chợ xuân”, …
Qua khảo sát tôi nhận thấy: Số trẻ hứng thú tham gia hoạt động tạo hình đông hơn, khả năng tạo hình của trẻ được nâng cao, tất cả trẻ đều đã hoàn thiện được sản phẩm tạo hình, các sản phẩm tạo hình của trẻ cũng đa dạng và phong phú hơn, không còn dập khuôn theo mẫu như trước nữa.

 
 

 KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

  1. Kết luận:
Như vậy, qua quá trình thực hiện một số hoạt động tạo hình sáng tạo, tôi nhận thấy hoạt động tạo hình có nhiều lợi thế để kích thích trí sáng tạo của trẻ. Trong hoạt động, trẻ được tư duy và thực hành. Trẻ sáng tạo qua bố cục, màu sắc, ý tưởng trong một bài tạo hình. Với các hoạt ộng mang tính mới lạ, càng kích thích trẻ hứng thú và say mê trong quá trình sáng tạo của mình. Vì vậy, cần xây dựng, sưu tầm các hoạt động tạo hình có tính sáng tạo và tổ chức cho trẻ nhằm phát triển một cách toàn diện  nhất, đặt biệt là khả năng sáng tạo của trẻ.
  1. Một số khuyến nghị:
Khả năng tạo hình thuộc về năng khiếu và thị hiếu thẩm mĩ ở từng cá nhân trẻ. Vì vậy, giáo viên không nên gò ép trẻ theo một khuôn mẫu nhất định, sẽ làm cho trẻ trở nên tự ti, không dám thể hiện khả năng của mình. Do đó, giáo viên phải biết khơi gợi niềm đam mê của trẻ bằng nhiều hình thức khác nhau để trẻ được tự do sáng tạo cái đẹp theo khả năng của mình. Để làm được điều đó, giáo viên cần: Giao nhiệm vụ tùy theo khả năng của từng trẻ; Tạo môi trường cũng như nguyên vật liệu để trẻ hoạt động; Tôn trọng thành quả lao động của trẻ; Động viên, khuyến khích trẻ.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Hà Đông, ngày 27 tháng 2 năm 2020
                                                 Tác giả   


                                                                Nguyễn Thị Thu Hương
 
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

STT TÊN TÀI LIỆU NHÀ XUẤT BẢN
1 Tâm lí học trẻ em Đại học sư phạm
2 Hướng dẫn thực hiện chương trình GDMN Giáo dục
3 Giáo dục học mầm non Đại học sư phạm
4 Tạp chí Giáo dục Mầm non  
5 Giáo dục thẩm mĩ thông qua các hoạt động tạo hình. http://vuahocvalam.com
6 Dạy học theo dự án Steame Garten







 
 

  UBND QUẬN HÀ ĐÔNG       CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    TRƯỜNG MN SEN HỒNG                      Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
PHIẾU KHẢO SÁT TRẺ
TRƯỚC KHI THỰC HIỆN ĐỀ TÀI SKKN
1. Tên SKKN: Một số ý tưởng lựa chọn nội dung và nguyên vật liệu để phát triển khả năng sáng tạo của trẻ trong hoạt động tạo hình”.
2. Người khảo sát: Nguyễn Thị Thu Hương
3. Đối tượng khảo sát: 4 – 5 tuổi tại lớp học
4. Số trẻ tham gia khảo sát: 37 trẻ
5. Thời gian khảo sát: 15/ 9/ 2019
6. Nội dung khảo sát: Giáo viên sử dụng phương pháp:
 Phương pháp nghiên cứu tài liệu                  - Phương pháp điều tra khảo sát
-  Phương pháp đàm thoại                                - Phương pháp quan sát
- Phương pháp thực hành                                 - Phương pháp điều tra viết
-  Phương pháp trắc nghiệm khách quan         -  Phương pháp phân tích nội dung
Tôi đề ra một số tiêu chí về khả năng tạo hình của trẻ, khảo sát trên 37 trẻ trong lớp tôi phụ trách, lấy yêu cầu khả năng thể hiện sự sáng tạo và sự hứng thú của trẻ làm thước đo các mức độ: tốt, khá, trung bình, yếu tại thời điểm tháng 9/2019. Kết quả khảo sát cụ thể như sau:
STT Tiêu chí Tốt Khá Trung bình Yếu
Số cháu Tỉ lệ (%) Số cháu Tỉ lệ (%) Số cháu Tỉ lệ (%) Số cháu Tỉ lệ (%)
1 Hứng thú tham gia hoạt động tạo hình 30/37 81% 5/37 14% 2/37 5% 0/37 0%
2 Có kỹ năng thực hiện các hoạt động tạo hình. 20/37 54% 10/37 27% 5/37 14% 2/37 5%
3 Có khả năng sáng tạo trong các hoạt động tạo hình 5/37 14% 15/37 41% 7/37 18% 10/37 27%
Qua khảo sát tình hình thực tế ở lớp tôi nhận thấy: Số trẻ hứng thú tham gia hoạt động còn ít, đa số trẻ chỉ hứng thú được một khoảng thời gian nhất định, hứng thú không kéo dài. Số trẻ có kỹ năng tạo hình tốt khá đông nhưng khả năng sáng tạo chưa cao, vẫn còn dập khuôn theo mẫu, sao chép chưa phát huy hết khả năng sáng tạo của trẻ.
                                                                     Hà đông, ngày 1 tháng 9 năm 2019
Người khảo sát
Nguyễn Thị Thu Hương
   UBND QUẬN HÀ ĐÔNG        CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
 TRƯỜNG MN SEN HỒNG                           Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
                                        PHIẾU KHẢO SÁT TRẺ
SAU KHI THỰC HIỆN ĐỀ TÀI SKKN
1. Tên SKKN: Một số ý tưởng lựa chọn nội dung và nguyên vật liệu để phát triển khả năng sáng tạo của trẻ trong hoạt động tạo hình”.
2. Người khảo sát: Nguyễn Thị Thu Hương
3. Đối tượng khảo sát: trẻ 4 – 5 tuổi tại lớp học
4. Số trẻ tham gia khảo sát: 37 trẻ
5. Thời gian khảo sát: 28/ 2/ 2020
6. Nội dung khảo sát: Giáo viên sử dụng phương pháp:
 Phương pháp nghiên cứu tài liệu            - Phương pháp điều tra khảo sát
-  Phương pháp đàm thoại                            - Phương pháp quan sát
- Phương pháp thực hành                             - Phương pháp điều tra viết
-  Phương pháp trắc nghiệm khách quan    -  Phương pháp phân tích nội dung
Kết quả cụ thể khảo sát thực tế của 37 trẻ ở lớp mẫu giáo nhỡ B3 tôi đang phụ trách vào thời điểm tháng 3/2020 như sau:
STT Tiêu chí Tốt Khá Trung bình Yếu
Số cháu Tỉ lệ (%) Số cháu Tỉ lệ (%) Số cháu Tỉ lệ (%) Số cháu Tỉ lệ (%)
1 Hứng thú tham gia hoạt động tạo hình 37/37 100% 0/37 0% 0/37 0% 0/37 0%
2 Có kỹ năng thực hiện các hoạt động tạo hình. 30/37 81% 5/37 14% 2/37 5% 0/37 0%
3 Có khả năng sáng tạo trong các hoạt động tạo hình 28/37 76% 8/37 21% 1/37 3% 0/37 0%
Qua khảo sát tôi nhận thấy: Số trẻ hứng thú tham gia hoạt động tạo hình đông hơn, khả năng tạo hình của trẻ được nâng cao, tất cả trẻ đều đã hoàn thiện được sản phẩm tạo hình, các sản phẩm tạo hình của trẻ cũng đa dạng và phong phú hơn, không còn dập khuôn theo mẫu như trước nữa.
                                                                     Hà đông, ngày 28 tháng 3 năm 2020
Người khảo sát

Nguyễn Thị Thu Hương
 
UBND QUẬN HÀ ĐÔNG           CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TRƯỜNG MN SEN HỒNG                         Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
PHIẾU KHẢO SÁT TRẺ
TRƯỚC VÀ SAU KHI THỰC HIỆN ĐỀ TÀI SKKN
1. Tên SKKN: Một số ý tưởng lựa chọn nội dung và nguyên vật liệu để phát triển khả năng sáng tạo của trẻ trong hoạt động tạo hình.
2. Người khảo sát: Trần Thị Thúy Liễu
3. Đối tượng khảo sát: Trẻ 5-6 tuổi
4. Số trẻ tham gia khảo sát: 35 trẻ
5. Thời gian khảo sát: 15/ 9/ 2019 – 25/2/2020
6. Nội dung khảo sát: Giáo viên sử dụng phương pháp:
- Phương pháp nghiên cứu tài liệu                 - Phương pháp thực nghiệm
- Phương pháp điều tra khảo sát                     - Phương pháp điều tra viết
- Phương pháp đàm thoại                               - Phương pháp phân tích nội dung
- Phương pháp quan sát
- Phương pháp điều tra viết
Bảng so sánh đối chiếu số liệu trước và sau khi thực hiện các biện pháp:  
 
Nội dung khảo sát
Trước khi áp dụng Sau khi áp dụng
Đạt Chưa đạt Đạt Chưa đạt
Số trẻ Tỷ lệ (%) Số trẻ Tỷ lệ
(%)
Số trẻ Tỷ lệ (%) Số trẻ Tỷ lệ
Hứng thú tham gia hoạt động tạo hình 30 81% 7 19% 37 100% 0 0%
Có kỹ năng thực hiện các hoạt động tạo hình. 20 54% 17 46% 30 81% 7 19%
Có khả năng sáng tạo trong các hoạt động tạo hình 5 14% 32 86% 28 75% 9 25%
                                                           Hà đông, ngày 25 tháng 2 năm 2019
                                                                                 Người khảo sát



Nguyễn Thị Thu Hương

 
  Thông tin chi tiết
Tên file:
Sáng kiến kinh nghiệm: HĐ tạo hình ( 5-6 tuổi)
Phiên bản:
N/A
Tác giả:
Nguyễn Thị Thu Hương
Website hỗ trợ:
N/A
Thuộc chủ đề:
Sáng kiến kinh nghiệm
Gửi lên:
12/10/2021 07:00
Cập nhật:
12/10/2021 07:00
Người gửi:
DIỆU TRANG
Thông tin bản quyền:
N/A
Dung lượng:
14.16 MB
Xem:
378
Tải về:
8
  Tải về
Từ site Mầm non Sen Hồng:
   Đánh giá
Bạn đánh giá thế nào về file này?
Hãy click vào hình sao để đánh giá File

  Ý kiến bạn đọc

Liên hệ với chúng tôi

Phòng tiếp đón


Phòng Hiệu trưởng


Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay659
  • Tháng hiện tại21,710
  • Tổng lượt truy cập608,492
Ảnh quảng cáo bên trái
TRƯỜNG MN SEN HỒNG
MN SEN HỒNG
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây